Chức năng và nhiệm vụ Bộ_trưởng_Bộ_Tư_pháp_Việt_Nam

Bộ trưởng là người đứng đầu Bộ Tư pháp, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ hoạt động của Bộ Tư pháp và có trách nhiệm phụ trách:

  • Lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành mọi mặt hoạt động của Bộ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ; những công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ và Bộ trưởng được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ, Quy chế làm việc của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
  • Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác:
    • Chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch công tác dài hạn, năm năm và hàng năm;
    • Công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ;
    • Công tác kế hoạch - tài chính toàn ngành;
    • Cải cách pháp luật, cải cách tư pháp thuộc phạm vi, quyền hạn của Bộ.
  • Phối hợp công tác giữa Bộ Tư pháp, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan Trung ương của Đảng, trừ những cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương đã được phân công cho các Thứ trưởng trực tiếp phụ trách công tác phối hợp;
  • Thực hiện nhiệm vụ của thành viên Chính phủ, thành viên hội đồng, các ban và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công.
  • Phụ trách các đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ Tư pháp.
  • Chỉ đạo công tác tư pháp của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.[1]

Quyền hạn

Bộ trưởng Bộ Tư pháp trực tiếp giải quyết các công việc cụ thể sau:

  • Quyết định về việc tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định;
  • Quyết định thành lập, chấm dứt hoạt động, giải thể Cục và các vấn đề liên quan đến bộ máy, biên chế của Cơ quan thuộc Bộ và quyết định về danh sách bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, công chức, viên chức đi công tác nhiệm kỳ tại Cơ quan thuộc Bộ theo quy định của pháp luật;
  • Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Phó Cục trưởng và các chức vụ, chức danh tương đương;
  • Phân công một Thứ trưởng làm Thứ trưởng Thường trực, giúp Bộ trưởng điều hành công việc chung của Bộ và phân công các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực công tác và điều chỉnh lĩnh vực công tác đã phân công;
  • Trực tiếp giải quyết công việc có tính cấp bách và quan trọng mặc dù thuộc lĩnh vực đã được phân công của một Thứ trưởng, hay do Thứ trưởng đó đi vắng; quyết định những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các Thứ trưởng;
  • Định kỳ chủ trì họp với các Thứ trưởng và nếu xét thấy cần thiết, với Trợ lý Bộ trưởng để thống nhất chủ trương, biện pháp chỉ đạo điều hành công việc của Bộ;
  • Quyết định nội dung, thời gian, thành phần và chủ trì các cuộc họp quan trọng của Bộ;
  • Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường Đại học và các trường Trung cấp trực thuộc Bộ
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.